Tin công nghệ

BlueStacks: chơi game và chạy ứng dụng Android trên máy tính

BlueStacks: chơi game và chạy ứng dụng Android trên máy tính

BlueStacks: giải pháp đơn giản để chơi game và chạy ứng dụng Android trên máy tính.

bluestacks: giai phap don gian de choi game va chay ung dung android tren may tinh

Bạn có muốn chơi các trò chơi như Clash of Clan, Sim City Build It hay chỉ đơn giản là dùng những ứng dụng hay ho của Android trên máy tính không? Việc này không thật sự quá khó như bạn nghĩ, cũng không phải cài đặt hệ điều hành chạy song song gì cả.

Tất cả những gì bạn cần làm là download ứng dụng BlueStacks về cài đặt và có thể bắt đầu xài ngay. BlueStacks có kho Google Play Store đầy đủ nên về lý thuyết là bạn có thể cài mọi app được viết cho Android. Phần mềm này tương thích cho cả máy tính Windows lẫn OS X và có thể tải về miễn phí ngay từ hôm nay (có tùy chọn tài khoản premium, sẽ nói đến sau).

Về cơ bản, bạn có thể xem BlueStacks như một trình giả lập lại một thiết bị Android gần như đầy đủ. Mình kiểm tra bằng phần mềm CPU-Z thì cho thấy BlueStacks “núp bóng” thông số của chiếc Samsung Galaxy S5 và phần nhân đang chạy là Android 4.4 (tính đến lúc viết bài). Bạn cũng có dãy nút back, home, recent app quen thuộc chứ không có gì quá xa lạ.

Mặc định BlueStacks miễn phí và bạn có thể dùng nó thoải mái mà không bị giới hạn chức năng nào. Tuy nhiên, BlueStacks sẽ thỉnh thoảng tự động download các app từ những nhà tài trợ xuống trình giả lập. Nếu không thích thì bạn có thể gỡ chúng ra. Còn nếu bạn muốn ủng hộ BlueStacks cũng như không muốn app tài trợ tự download thì có thể mua tài khoản premium ngay từ trong trình giả lập. Phí là 2$ / tháng hoặc 24$ / năm cho một PC (nghe nói thị trường Việt Nam sắp có giá rẻ hơn nhưng chưa biết là bao nhiêu).

bluestacks: choi game va chay ung dung android tren may tinh 02

Để sử dụng Google Play trong BlueStacks, tất cả những gì bạn cần làm đó là đăng nhập tài khoản Google của mình vào là xong. Cũng như một chiếc điện thoại hay tablet Android thực thụ, BlueStacks sẽ tự lấy tài khoản đó để sync luôn cả Gmail, lịch và các thông tin khác của bạn. Sau đó thì bạn thích app hay game gì thì cứ tải về chơi thôi, không có gì phức tạp cả. Lưu ý, có thể có một số app cài được nhưng không chạy được do sự khác biệt về nhân của BlueStacks so với một cái điện thoại Android truyền thống.

Về hiệu năng thì BlueStacks cho phép chúng ta chơi các game khá mượt mà và nhanh chóng. Mình có thử nghiệm trên cái MacBook Pro đời 2009 của mình thì chơi Clash of Clan và Sim City Build It vẫn thấy mượt tương tự như bên điện thoại, có điều quạt quay nhiều hơn nhưng cũng không phải là vấn đề gì. Hầu hết mọi thao tác quen thuộc như chạm, cuộn đều hoạt động như bạn kỳ vọng ở một trò chơi dành cho Android.

bluestacks: choi game va chay ung dung android tren may tinh 03

Có thể bạn sẽ hỏi rằng vậy những cử chỉ cảm ứng đa điểm, ví dụ như dùng 2 ngón tay để zoom in zoom out thì sao? BlueStacks cũng tính đến vụ này rồi và chuyển nó thành việc sử dụng phím mũi tên trên bàn phím của bạn khi cần phóng to thu nhỏ. Ngoài ra, tùy vào game hoặc app mà BlueStacks sẽ hiển thị các phím thay thế, ví dụ như Asphal 8 thì có thể xài thêm phím Space để boost tốc độ cho xe chẳng hạn. Có một điểm mà mình chưa hài lòng đó là chưa biết là sao để thực hiện thao tác xoay bằng 2 ngón tay do không thấy BlueStacks hiện hướng dẫn gì về điều này trong game Sim City mà mình chơi.

bluestacks: choi game va chay ung dung android tren may tinh 04

Nếu bạn muốn, bạn cũng có thể cài thêm các app khác trên Android, ví dụ như Facebook Messenger, Facebook, Zalo, Tinh tế… Các phần mềm này thì hoạt động chẳng khác gì trên điện thoại cả, thậm chí chúng còn gửi được thông báo ra notification bar của BlueStacks luôn. Với Messenger, tính năng chat head với cục tròn tròn chạy khắp các cạnh màn hình vẫn có thể xài được bình thường.

Trong trường hợp cần gõ tiếng Việt, bạn có thể cài một bộ gõ nào đó vào là chạy thôi. Lưu ý, khi gõ tiếng Việt trong BlueStacks thì nên tắt bộ gõ của máy tính, nếu không thì cả hai sẽ bị xung đột và sinh ra lỗi lặp chữ.

Vài thông tin cơ bản các bạn nên biết sau khi đã cài BlueStacks

– Nhấn nút Search ở góc trên bên trái để tìm kiếm một ứng dụng nào đó bạn thích. Nếu search không ra thì có nút để vào Play Store và tìm.

– Nhấn nút All Apps ở góc trên bên phải để xem tất cả những phần mềm bạn đã cài đặt vào máy tính

– Ba nút Back, Home, Recent Apps ở góc dưới bên trái cửa sổ BlueStacks có cách dùng tương tự như trên Android. Trong đó, Back để quay lại màn hình phía trước, Home để quay lại màn hình homescreen, và Recent Apps để liệt kê những phần mềm bạn đã chạy gần đây.

– Bạn có thể kéo thanh thông báo từ cạnh trên của cửa sổ xuống phía dưới

– Khi phóng to màn hình BlueStacks, bạn nhấn phím F11 để thoát khỏi chế độ fullscreen

bluestacks: choi game va chay ung dung android tren may tinh 05

Nếu đi vào phần All Apps > BlueStacks Settings, bạn có thể thiết lập cho BlueStacks đồng bộ các ứng dụng đã cài với điện thoại, đổi ngôn ngữ, đổi thiết lập bàn phím (bạn có thể cài thêm bộ gõ tiếng Việt Android nếu thích), quản lý tài khoản…

Tại đây cũng có mục “Change App Size”, nó cho phép bạn thiết lập xem một app sẽ chạy ở dạng điện thoại hay máy tính bảng, phù hợp cho những app nào không tự thay đổi kích thước giao diện hoặc không tự xoay màn hình lại theo phương ngang. Trong mấy app và game phổ biến mà mình sử dụng thì không có app nào phải vào chỉnh trong này cả.

Xem thêm: BlueStacks 2: chơi game và chạy ứng dụng Android trên PC theo dạng tab

Theo Tinh Tế

Bình luận (0 bình luận)