Tin công nghệ

Vì sao 4G chưa thể thay thế dịch vụ Internet cố định?

Vì sao 4G chưa thể thay thế dịch vụ Internet cố định?

Mạng 4G nhận được nhiều kỳ vọng của xã hội, và có thể gây ra sự dịch chuyển nhỏ từ nhóm khách hàng sử dụng Internet qua cáp quang truyền thống, nhưng băng thông di động chưa thể thay thế hoàn toàn dịch vụ băng thông cố định với nhiều nguyên nhân.

Người dùng kỳ vọng vào sự thay đổi

Tháng 12/2015, người dùng Việt trong nước lần đầu tiên được sử dụng mạng 4G do Viettel thử nghiệm tại Vũng Tàu.

Theo đó, Viettel đã đặt gần 200 trạm phát sóng 4G phủ sóng khu vực dân cư của TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa và huyện Long Điền, tỉnh Vũng Tàu. Tốc độ tải dữ liệu tại Vũng Tàu đo được ở những vị trí cao nhất đạt xấp xỉ 230Mbps, đây là những chỉ số rất đáng khích lệ và gần với tốc độ lý thuyết 300Mbps của công nghệ 4G LTE-A cao cấp.

Như vậy, cùng với sự thử nghiệm 4G trong thực tế, Việt Nam đang đến rất gần với việc đưa công nghệ 4G ứng dụng đại trà trong cả nước, trước hết là bởi 3 nhà mạng lớn: Viettel, MobiFone, VinaPhone.

Sự kiện đáng khích lệ này có thể đánh một dấu mốc đáng nhớ, đối với những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và đem lại nhiều kỳ vọng cho người dùng.

4g duoc ki vong se thay doi manh me su lua chon dich vu cua khach hang hien nay

4G được kì vọng sẽ thay đổi mạnh mẽ sự lựa chọn dịch vụ của khách hàng hiện nay

“Hiện tại, nhiều thiết bị đã có màn hình độ phân giải 4K và các camera trên điện thoại di động cũng có thể quay phim 4K, video trên Youtube cũng vậy, tôi kỳ vọng khi 4G ra mắt, tôi có thể trải nghiệm những nội dung có dung lượng dữ liệu cao trên nền Internet”, anh Nguyễn Việt Anh, một cựu sinh viên trường Đại học Bách Khoa cho hay.

Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương, ông Thiều Phương Nam cho biết, giá thành của 4G rẻ hơn 3G. Trong sự kiện “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào” do CLB Nhà báo ICT tổ chức, ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng Giám đốc VNPT-Net cũng khẳng định, công nghệ 4G so với 3G chỉ khác nhau về tốc độ download và người dùng sẽ không bị tăng giá cước mà chỉ phải trả thêm tiền nếu họ sử dụng thêm data.

Anh Lê Đình Tuấn, một người kinh doanh SIM tại Giảng Võ cho biết, hiện tại, thị trường SIM data khuyến mại dành cho các thiết bị di động rất hút khách, với giá 250.000 đồng/SIM, khách hàng được sử dụng 2,5GB truy cập dữ liệu tốc độ cao/tháng và trong vòng 12 tháng. Ngoài ra, có nhiều thiết bị phát wifi 4G di động cũng được bán, tiêu biểu như bộ phát wifi 4g TP-Link M7350. “Theo tôi, nếu 4G tốt và có gói cước truy cập trọn gói không giới hạn dung lượng mà chỉ giới hạn tốc độ truy cập ở mức độ nhanh như 3G thôi, sẽ có nhiều khách hàng chọn dịch vụ của nhà mạng di động thay vì các nhà mạng cố định như hiện nay”.

voi mang 4g ban co the xem video 4k khong bi giat

Đoạn Video về Costa Rica với độ phân giải 4K đã thu được 12 triệu lượt xem trên Youtube, với mạng 4G bạn có thể xem đoạn video này mà không bị giật.

Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông nhận định, khi 4G ra đời, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đơn thuần qua các mạng dây ADSL, cáp quang như FPT, CMCTelecom, Netnam… sẽ có nguy cơ mất khách hàng vào tay các nhà mạng, trong khi truyền hình cũng đối mặt với nhiều cạnh tranh, khi thói quen của độc giả bắt đầu thay đổi và những kênh video như Youtube, Facebook có nhiều thế mạnh lớn.

Công nghệ mới, tốc độ vượt trội và giá thành không thay đổi là những điều khác biệt của 4G đối với 3G. Tuy nhiên, nếu xem xét cùng là dịch vụ cung cấp kết nối Internet, 4G và các dịch vụ cung cấp kết nối Internet qua băng thông cố định vẫn có nhiều khác biệt lớn.

Nhà mạng Internet cố định khá bình tĩnh

Đại diện một nhà cung cấp mạng cố định từ chối cho biết tên cho biết, dịch vụ Internet cố định có lợi thế lớn nhất so với dịch vụ Internet di động là tốc độ kết nối, độ ổn định cao. “Trên thế giới, có những nước 4G rất mạnh nhưng nhà mạng cố định vẫn sống tốt như Nhật Bản chẳng hạn. Tuy nhiên, phải tìm nhiều cách hút khách hàng hơn, khuyến mại tốt hơn và chúng tôi có sự tự tin của mình”.

Nếu tính về giá thành, gia dịch vụ băng thông di động vẫn cao hơn băng thông cố định rất nhiều, đó là lý do vì sao, hiện chưa có dịch vụ kết nối Internet trọn gói, tốc độ cao với giá thành rẻ tại Việt Nam.

Mặc dù, trên thị trường hiện đang trong tình trạng luôn có SIM data khuyến mại cao, giá thấp, nhưng thực tế, trên website các nhà mạng, SIM data có giá niêm yết không hề rẻ. Trong đó, MobiFone có SIM Fast Connect với giá gói FCU 200 là 200.000 đồng/tháng với 3GB tốc độ cao trọn gói, VinaPhone có gói Max200, Viettel có gói DC200 với giá tiền và dung lượng data tương đương MobiFone. Khi người sử dụng vượt dung lượng tốc độ cao, cước không phát sinh, nhưng tốc độ truy cập sẽ bị chậm lại ở mức độ khoảng 32kb/s, không thể đọc báo, xem video một cách mượt mà được.

Khác với những điểm yếu của Internet băng thông di động, Internet băng thông cố định luôn tỏ ra hiệu quả đối với nhu cầu truy cập Internet trong các hộ gia đình: “Hiện, với khoảng 250.000 đồng, người dùng có thể thuê bao dịch vụ Internet băng thông cố định trọn gói trong 1 tháng, tốc độ truy cập mạng của gói dịch vụ này đáp ứng đủ nhu cầu thông thường và mạng gia đình này có thể chia sẻ cho nhiều thành viên khác nhau cùng sử dụng một lúc, với Internet qua băng thông di động, việc này chưa thể làm được”, người này nói. Hiện, có thể kể ra những gói cước internet cáp quang cho hộ gia đình như gói F4 giá 240.000 đồng/tháng, tốc độ 22mbps của FPT, hay gói Combo 2 giá 250.000 đồng/tháng, tốc độ 5mbps thuê bao cả truyền hình cáp lẫn Internet của liên minh giữa VTVcab và CMCtelecom.

Theo ông Vũ Thế Bình, CEO của Netnam: “Việc triển khai 4G ở Việt Nam là tất yếu và đến năm 2017 mới triển khai thì có thể hơi trễ”, ông Bình cũng nhận xét: “ Dĩ nhiên dịch vụ băng rộng di động 4G ra mắt sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh mới, với băng rộng cố định và giữa các nhà cung cấp dịch vụ 4G với nhau”.

Tuy nhiên, NetNam không định vị là một doanh nghiệp viễn thông mà là một nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp Internet và ICT. Do đó, NetNam coi việc có thêm dịch vụ 4G – băng rộng di động, là cơ hội chứ không phải mối đe dọa. “Với 4G, NetNam có thể mang đến cho khách hàng của mình dịch vụ an toàn, ổn định, tin cậy và tốt hơn. Sự thay thế các công nghệ cũ bằng công nghệ mới cũng cần thời gian như chúng ta từng trải qua sự thay thế dial-up bằng ADSL, và ADSL bằng FTTx, cũng như 3G thay thế 2G”, ông Bình nhấn mạnh.

Lý do Netnam và nhiều nhà cung cấp ISP tin tưởng về lợi thế cạnh tranh, so với các nhà mạng di động là: Băng rộng cố định vẫn có những điểm mạnh mà di động – không dây không giải quyết được, ví dụ như ảnh hưởng của địa hình và chia sẻ băng thông. Hơn nữa, nhu cầu băng thông rộng và siêu rộng càng ngày càng tăng, như chúng ta chứng kiến hai thập kỷ vừa qua. Công nghệ băng rộng cố định cũng có những bước phát triển và các kết nối đến khách hàng có thể lên đến cả Gbps, ở mức mà băng rộng di động chưa vươn tới được.

Ông Bình tự tin khẳng định, mọi ngành nghề đều có thể hưởng lợi từ hạ tầng viễn thông – Internet phát triển, và còn thúc đẩy sự sáng tạo, dấn thân của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Băng rộng di động 4G ra đời chắc chắn sẽ thúc đẩy nhiều ứng dụng trực tuyến phát triển mạnh, trong đó có các dịch vụ nội dung. Tôi không có số liệu dự đoán đầy đủ, nhưng chắc chắn đây sẽ là cú hích và nền tảng cho sự phát triển của nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội. Đặc biệt với Việt Nam, khi thói quen dùng và đổi smartphone rất mạnh mẽ”, ông Vũ Thế Bình nói.

Theo ICTnews

Bình luận (0 bình luận)